KỶ NIỆM 79 NĂM NGÀY NAM BỘ KHÁNG CHIẾN- CHỦ ĐỘNG LẬP THẾ TRẬN, ĐÁNH ĐỊCH NGAY TỪ NGÀY ĐẦU KHÁNG CHIẾN
Đêm 22 rạng ngày 23-9-1945, thực dân Pháp gây hấn quân sự ở Sài Gòn. Quân và dân ta đã chủ động lập thế trận và tổ chức lực lượng đánh địch ngay từ ngày đầu, bảo vệ nền độc lập non trẻ vừa mới giành được.
Theo thỏa thuận ở Hội nghị Potsdam (từ ngày 17-7 đến 2-8-1945), dưới danh nghĩa đồng minh, Anh và Trung Hoa dân quốc đưa quân đội vào Việt Nam, làm nhiệm vụ giải giáp tàn binh Nhật. Được đế quốc Anh hậu thuẫn, đầu tháng 9-1945, Pháp từng bước đưa quân đội vào Nam Bộ, xúc tiến âm mưu xâm lược nước ta lần thứ hai. Đến giữa tháng 9-1945, tại Sài Gòn, Pháp có khoảng 1.400 quân và Anh có khoảng 2.500 quân. Quân Anh, Pháp đưa ra nhiều yêu cầu phi lý, trong đó đòi ta phải giải tán LLVT.
Trước thủ đoạn đe dọa trắng trợn của quân Anh và Pháp, quân và dân Sài Gòn-Chợ Lớn vô cùng căm phẫn, nhưng hết sức kìm chế và chủ động lập thế trận, tổ chức LLVT sẵn sàng chiến đấu. Nhằm tránh khiêu khích và xung đột vũ trang do địch gây ra, các đơn vị cộng hòa vệ binh và dân quân cách mạng được lệnh rút từ nội thành Sài Gòn ra vùng ngoại thành; đồng thời, người già và trẻ em cũng tản cư từ trong thành phố ra các vùng căn cứ, nông thôn.
Nhằm đối phó với quân địch ưu thế hơn ta về quân số và vũ khí, trang bị, Xứ ủy và Ủy ban Hành chính Lâm thời Nam Bộ, Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ chỉ đạo lập thế trận phân chia Sài Gòn-Chợ Lớn gồm mặt trận nội thành và 4 mặt trận xung quanh. Tại mặt trận nội thành (còn gọi là Mặt trận số 1 hay Mặt trận phía Đông), LLVT ta có 6.000 tự vệ, xung phong công đoàn, 2.000 thanh niên xung phong và công an xung phong, tổ chức thành 320 đội tự vệ chiến đấu, trang bị 120 súng các loại, 3.000 lựu đạn và gậy tầm vông, giáo mác... Do ta và địch đóng quân xen kẽ nhau nên ta không lập thế trận hàng ngang đánh chặn địch mà bố trí LLVT ở 16 khu vực tác chiến trọng điểm nội thành. Một số đội vũ trang được phân công tuần tra, canh gác ở các công sở trọng yếu thành phố.
Để ngăn chặn quân địch mở rộng đánh chiếm ra vùng ngoại thành, ta tổ chức 4 mặt trận: Số 1 (phía Đông), số 2 (phía Bắc), số 3 (phía Tây), số 4 (phía Nam), kéo dài từ Thị Nghè, Khánh Hội, cầu Bông, đến Rạch Cát, Phú Lâm, cầu Kiệu... tạo thành thế trận vùng ven bao vây, cô lập địch trong nội thành. Trước đối tượng tác chiến mạnh hơn, ta đã chủ động trước một bước là lập thế trận và bố trí LLVT phù hợp ở các địa bàn trọng điểm trên từng mặt trận, sẵn sàng đánh địch nếu chúng liều lĩnh gây xung đột quân sự.
Nhờ chủ động lập thế trận và bố trí lực lượng tác chiến, khi quân Pháp bất ngờ tiến công (đêm 22 rạng 23-9-1945) đánh chiếm một số mục tiêu quan trọng trong thành phố, quân và dân Sài Gòn-Chợ Lớn đã kịp thời đánh địch. Ngay từ sáng 23-9, các đơn vị tự vệ, thanh niên xung phong chiến đấu quyết liệt ở nhiều nơi; đồng thời, Xứ ủy, Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ họp khẩn cấp, bàn chủ trương, biện pháp đối phó với quân Pháp và báo cáo gấp xin chỉ thị của Trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếp đó, Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, Ủy ban Kháng chiến Sài Gòn-Chợ Lớn lãnh đạo nhân dân toàn thành phố tổng đình công, bãi thị, không hợp tác với địch; chỉ đạo LLVT chiến đấu. Từ 0 giờ ngày 23 đến hết 24-9, nhiều trận chiến đấu đã diễn ra ở dinh Đốc Lý, ga xe lửa, cầu Ông Lãnh, chợ Bến Thành, trụ sở Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ... Tiêu biểu ở cột cờ Thủ Ngữ, tiểu đội bảo vệ với súng săn, dao găm, lựu đạn đã chống lại một đại đội quân địch. Một đại đội dân quân bí mật luồn vào nội thành, chiếm chợ Bến Thành, rồi tiến ra đại lộ Bonard (nay là đường Lê Lợi), bắn vào các vị trí quân địch. Một số đội tự vệ vượt kênh Tàu Hủ đánh địch ở đường De la Somme (nay là đường Hàm Nghi). Trong khi đó, ở Chợ Lớn, công nhân nhà in đã in hàng vạn bản “Tuyên cáo quốc dân” của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, thể hiện quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do. Nhân dân Sài Gòn-Chợ Lớn triệt để bãi công, bãi thị, bãi khóa, không hợp tác với địch; đồng thời dựng chiến lũy, chướng ngại vật ở khắp nơi.
Nhận được điện của Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào Nam Bộ ra sức chiến đấu bảo vệ nền độc lập và kêu gọi cả nước ủng hộ Nam Bộ kháng chiến. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sáng 24-9, nhân dân và du kích ở các vùng Xóm Chiếu, Khánh Hội, Tân Thuận kéo nhau đến khu Cầu Quây và bốt số 6 biểu tình. Địch xả súng bắn làm nhiều người chết và bị thương, nhưng đoàn người vẫn tiến lên bao vây đồn Thượng Khẩu, bốt số 6, phá rào, ném lựu đạn, lấy súng địch bắn địch, buộc chúng phải đầu hàng, giải thoát 70 thanh niên bị địch bắt. Cùng thời gian này, lực lượng du kích chiến đấu quyết liệt ở các khu vực cầu Mac Mahon (nay là cầu Công Lý), cầu Kiệu, cầu Bông, cầu Thị Nghè, cầu Muối, gây cho địch nhiều thiệt hại.
Ngay từ ngày đầu chiến đấu, quân và dân Sài Gòn-Chợ Lớn đã ngăn chặn, kìm giữ địch hiệu quả, chúng chỉ chiếm được một số vị trí, công sở trọng yếu, chưa thể mở rộng đánh chiếm ra các nơi khác trong thành phố. Ta bước đầu làm thất bại âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh” của địch. Thành công đó là do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, chỉ đạo, trực tiếp là Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, Ủy ban Kháng chiến Sài Gòn-Chợ Lớn đã chủ động chỉ đạo lập thế trận và bố trí lực lượng phù hợp, hình thành thế trận chiến tranh nhân dân, phát huy sức mạnh chiến đấu của quân dân nội, ngoại thành ngay từ ngày đầu, mở đầu cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954). Kinh nghiệm chủ động lập thế trận, chiến đấu quyết liệt ngay từ ngày đầu kháng chiến của quân và dân Sài Gòn-Chợ Lớn đến nay vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục kế thừa, phát huy sáng tạo trong xây dựng thế trận phòng thủ của từng tỉnh, thành phố gắn với thế trận phòng thủ chung của cả nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.
QĐND
Tin khác
- Phòng, chống lãng phí, công việc thường xuyên và cấp thiết để đất nước vươn mình
- Đề cương tuyên truyền Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029
- Tiểu sử Chủ tịch nước Lương Cường
- Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống ngành Tổ chức xây dựng Đảng (14/10/1930 - 14/10/2024)
- KỶ NIỆM 79 NĂM NGÀY NAM BỘ KHÁNG CHIẾN- CHỦ ĐỘNG LẬP THẾ TRẬN, ĐÁNH ĐỊCH NGAY TỪ NGÀY ĐẦU KHÁNG CHIẾN
- Tự hào 94 năm ngành Tuyên giáo!
- Lịch sử Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng
- Vô cùng tiếc thương, lưu luyến tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính mến!
- Điện Biên Phủ - Chiến thắng của sức mạnh trí tuệ và lòng dân Việt Nam
- Nhãn quan chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh