Cảnh giác với luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về chủ trương tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị Việt Nam

08/01/2025 09:59:17PM
Màu chữ Cỡ chữ
Chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được Ðảng ta bàn, đề ra phương án chi tiết, chặt chẽ, lộ trình thực hiện từ rất lâu, với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.

Chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được Ðảng ta bàn, đề ra phương án chi tiết, chặt chẽ, lộ trình thực hiện từ rất lâu, với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học, mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả… Không để cơ quan Nhà nước là “vùng trú ẩn an toàn” cho cán bộ yếu kém”; đồng thời nêu rõ mục tiêu của tinh gọn bộ máy là giúp bộ máy hoạt động trơn tru, ít người nhưng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao đạt chất lượng.

Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị đã lợi dụng tình hình để xuyên tạc, phủ nhận chủ trương cũng như kết quả của công cuộc cải cách này.

Tổ chức phản động Việt Tân không ngừng tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương “tinh gọn bộ máy” theo hướng tiêu cực, hòng gây hoang mang trong xã hội (nguồn: Internet)

      Thâm độc hơn, một số đối tượng còn bịa đặt rằng, việc sáp nhập các đơn vị, hợp nhất bộ máy chỉ nhằm mục đích “chia ghế”, tạo cơ hội cho cán bộ “chạy chọt” để tham nhũng, gây tốn kém ngân sách. Thậm chí, các thế lực thù địch xuyên tạc tinh giản biên chế là “đấu đá quyền lực, phe nhóm”, nhằm cắt giảm quyền lực của người này để tăng quyền lực cho người kia, là cách để “hạ bệ” hoặc “gia cố” quyền lực. Từ đó họ ngụy biện rằng, Việt Nam không có tinh giản biên chế, không có tinh gọn bộ máy mà đây chỉ là “miếng bánh phân chia quyền lực”, chuyện của “các phe phái”... Ðây là những chiêu trò mà bọn phản động, chống phá, cơ hội chính trị đã nhiều lần sử dụng khi Ðảng ta thực hiện những chủ trương, quyết sách quan trọng trong việc tinh gọn bộ máy, cải cách hành chính. Nhận thấy, đây là vấn đề hệ trọng, liên quan đến sự ổn định và phát triển đất nước, thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân nên các thế lực thù thù địch đã dùng mọi thủ đoạn đưa thông tin sai lệch, đánh tráo bản chất, bôi nhọ mục đích, ý nghĩa công cuộc cải cách, tinh gọn bộ máy hành chính nhằm gây mất lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc, tạo ngòi nổ dẫn tới rối loạn chính trị - xã hội; từ đó, xóa bỏ thành quả cách mạng của đất nước ta, nhân dân ta, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ Chủ nghĩa xã hội. Do đó, việc nhận diện và ngăn chặn âm mưu của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta để xuyên tạc, chống phá trên không gian mạng có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết hiện nay.  

 Tinh gọn bộ máy, giảm biên chế - quan điểm chỉ đạo xuyên suốt

Từ khi khởi xướng công cuộc đổi mới (Đại hội VI) đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận để lãnh đạo thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ngày 25/11 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp xem xét, cho ý kiến về một số nội dung quan trọng, trong đó có nội dung tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII xem đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, ví như cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn hệ thống chính trị. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cơ bản thống nhất nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu, tiến độ tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và một số nội dung gợi ý, định hướng để các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương nghiên cứu, đề xuất sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2024; Giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; Tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt và thể chế; Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt ra vấn đề: “Hiện nay đã là thời điểm, thời cơ; là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả hay chưa? Câu trả lời là: Không thể chậm trễ hơn nữa”.

Theo Tổng Bí thư, đây là vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước, vì đã nhiều Đại hội của Đảng từ các nhiệm kỳ trước từng đặt ra vấn đề này, đặc biệt là từ Đại hội XII đến nay. Điều đó cho thấy rằng, trong quá trình phát triển, Đảng ta đã nhìn ra và nhận thấy tinh gọn bộ máy là vấn đề cần phải thực hiện; nhưng đây thực sự là một vấn đề khó, thậm chí rất khó, vì khi tiến hành tinh gọn bộ máy sẽ liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và đụng chạm tới lợi ích của một số cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, “chúng ta vẫn phải tiến hành vì muốn một cơ thể khỏe mạnh, đôi khi chúng ta phải “uống thuốc đắng”, phải chịu đau để “phẫu thuật khối u”, Tổng Bí thư nêu quyết tâm. Đồng thời, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh: “Công việc phía trước rất bộn bề, khẩn trương. Thời gian không chờ đợi chúng ta. Đất nước đang dừng trước cánh cửa lịch sử bước vào kỷ nguyên vươn mình. Những công việc chúng ta làm hôm nay, sẽ quyết định tương lai. Chậm trễ là có lỗi với nhân dân”. Do đó, hơn lúc nào hết, việc cải cách, tinh gọn bộ máy cần sự đột phá, sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm cao nhất chứ không thể thấy khó, thấy phức tạp rồi để tình hình trì trệ kéo dài.

      Quan điểm “Tinh – gọn – mạnh – hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả” được Tổng Bí thư nêu ra trong bài viết ngày 5/11 về xây dựng hệ thống chính trị, không chỉ là một định hướng cải cách hành chính mà còn là thể hiện quyết tâm chính trị sâu sắc, phản ánh trí tuệ và tầm nhìn chiến lược của Đảng trong lãnh đạo đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, hiện thực hóa khát vọng hùng cường của dân tộc. Đồng thời, là trọng điểm chiến lược để tạo dựng một hệ thống quản lý nhà nước khoa học, minh bạch, tập trung vào giá trị thực chất nhằm tạo nền tảng vững chắc cho việc giải phóng, phát triển lực lượng sản xuất xã hội, tăng cường sức sống cho hệ thống quản lý điều hành đất nước, đó là nguyên tắc quan trọng và cũng là điều kiện tiền đề cho việc phát triển hơn nữa lao động, tri thức, kỹ thuật, công nghệ, nguồn vốn để không ngừng tạo của cải phục vụ xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.

      Cải cách bộ máy hành chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan nhà nước, đồng thời giảm thiểu các chi phí hành chính không cần thiết. Trong thời gian qua, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác cải cách bộ máy hành chính. Đặc biệt, việc tinh giản biên chế và giảm bớt các đầu mối hành chính đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Cụ thể như tháng 4/2015, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức với mục tiêu đến năm 2021 tinh giản tối thiểu 10% biên chế. Kết quả, chúng ta đã tinh giản được 11,67% biên chế trong giai đoạn này, vượt chỉ tiêu đề ra. Trình bày Báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2024), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đã ban hành 27 Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các bộ, ngành đã giảm được 17 tổng cục và tương đương; giảm 10 cục và 144 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 108 phòng trong vụ/ban thuộc bộ, ngành; giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, trong năm 2023, Thủ tướng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 144 quy định kinh doanh. Tổng số quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến nay là 2.770 quy định. Có 147 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư được thực hiện đơn giản hóa đạt 49,26%. Về quản lý và tinh giản biên chế, thực hiện các nghị định của Chính phủ, từ năm 2015 đến ngày 15/12/2023, cả nước tinh giản biên chế 84.140 người.

      Tổng Bí thư Tô Lâm cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong vấn đề này. Đó là nhận thức và hành động của một số cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, quyết tâm chưa cao, hành động chưa quyết liệt, việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, tổng thể, chưa gắn tinh giản biên chế với cơ cấu lại... Một số bộ, ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến tồn tại cơ chế xin - cho, dễ nảy sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Chính vì vậy, cho đến nay tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, quan hệ công tác giữa nhiều cơ quan, bộ phận chưa thật rõ ràng, còn trùng lắp, chồng chéo; phân định trách nhiệm, phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, hợp lý, có chỗ bao biện làm thay, có nơi bỏ sót hoặc không đầu tư thích đáng… Tổ chức bộ máy của một số cấp, ngành đến nay cơ bản vẫn giữ nguyên về số lượng, việc sắp xếp chưa gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả, xác định vị trí việc làm, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ. Bộ máy trong bộ, cơ quan ngang bộ còn nhiều tầng nấc, có cấp không rõ địa vị pháp lý; đơn vị trực thuộc có tư cách pháp nhân tăng, gia tăng tình trạng "Bộ trong bộ". Tinh giản biên chế mới tập trung giảm số lượng, chưa gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ. Những tồn tại, hạn chế, sự chậm chạp, thiếu quyết liệt trong thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

      Thống nhất trong nhận thức và hành động

      Bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống hoặc một số chủ trương không được triển khai hoặc triển khai hình thức trên thực tế. Một trong những lý do chính để tiến hành cải cách bộ máy hành chính là giảm bớt gánh nặng cho ngân sách quốc gia. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, chi cho bộ máy hành chính chiếm khoảng 70% tổng ngân sách chi tiêu thường xuyên của Nhà nước. Để giảm thiểu tình trạng lãng phí, việc tinh giản bộ máy đã và đang là một trong những giải pháp quan trọng, giúp tiết kiệm ngân sách và tái phân bổ các nguồn lực cho các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội.

      Ngoài ra, việc tinh giản bộ máy còn là một yếu tố then chốt trong việc nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và cải thiện công tác quản lý nhà nước. Một bộ máy hành chính tinh gọn và chuyên nghiệp sẽ giúp các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng, xử lý các vi phạm pháp luật, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp. Cũng nhờ vào sự cải cách này, quy trình cung cấp dịch vụ công đã được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian chờ đợi, giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các dịch vụ của Nhà nước.

      Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước ta, với mục đích rõ ràng, hoàn toàn không có chuyện “làm cho có”, “chỉ là hình thức”, “tranh giành quyền lực” hay “đấu đá nội bộ” như các thế lực thù địch xuyên tạc, rêu rao. Cần thấy rằng, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là việc làm không hề dễ dàng, không đơn giản, không phải làm một sớm, một chiều, làm một lần là xong do liên quan nhiều vấn đề nhạy cảm, phức tạp. Do đó đòi hỏi sự chặt chẽ, khoa học, với quyết tâm chính trị cao, thống nhất trong nhận thức và hành động. Để cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm thắng lợi, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: “Thời điểm 100 năm đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và 100 năm thành lập nước không còn xa, để đạt được các mục tiêu chiến lược, không chỉ đòi hỏi những nỗ lực phi thường, những cố gắng vượt bậc, mà còn không cho phép chúng ta chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi”.

LÃNH ĐẠO PHÊ DUYỆT

BIÊN SOẠN

(Đã ký)

 

 

 

 

 

        Thượng tá Nguyễn Thanh Bình

 

 

 

 

 

 

Ngô Lê Cảnh

 

Liên kết website