Xuất khẩu hàng hóa sang thị trường ASEAN tháng 11, nhận định và dự báo

08/12/2017 03:00:0AM
Màu chữ Cỡ chữ
Theo đánh giá của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), sau 3 ngày nhóm họp (từ ngày 12-14/11/2017) tại thủ đô Manila (Philippines), Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 31 và các hội nghị cấp cao liên quan là sự kiện quan trọng nhất trong năm của ASEAN đã kết thúc thành công tốt đẹp với những thảo luận thực chất, các cam kết cụ thể và không khí hữu nghị, đối tác bao trùm.
Tình hình kinh kế chung của khối thị trường ASEAN
 
Theo đánh giá của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), sau 3 ngày nhóm họp (từ ngày 12-14/11/2017) tại thủ đô Manila (Philippines), Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 31 và các hội nghị cấp cao liên quan là sự kiện quan trọng nhất trong năm của ASEAN đã kết thúc thành công tốt đẹp với những thảo luận thực chất, các cam kết cụ thể và không khí hữu nghị, đối tác bao trùm. Sự kiện này cũng chính thức khép lại một năm hợp tác sôi động và hiệu quả của ASEAN 2017, đánh dấu bước đường 50 năm xây dựng và trưởng thành của một trong những tổ chức khu vực thành công trên thế giới. Sự hiện diện cũng như những động thái của lãnh đạo các tổ chức và các nước ở Manila trong đợt hội nghị vừa qua cho thấy, cộng đồng quốc tế đang thừa nhận ASEAN là một đối tác quan trọng hàng đầu, một diễn đàn hợp tác toàn diện tại khu vực để phối hợp các nỗ lực chung ứng phó với những thách thức to lớn và đa dạng mà cả thế giới đang phải đối mặt. Bên cạnh đó, việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Hồng Kông (Trung Quốc) vừa qua cũng như việc ASEAN và 6 nước đối tác đạt được những bước tiến mới trong việc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để có thể đi đến ký kết thỏa thuận trong năm 2018 cũng được coi là một điểm sáng. Năm 2018, ASEAN sẽ tập trung vào hội nhập giữa các nền kinh tế trong khu vực ASEAN với nhau, giữa ASEAN và các khu vực kinh tế khác. Ngoài ra, ASEAN cũng tập trung vào việc tận dụng các công nghệ mới và thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển và hội nhập phù hợp với sự vận động và xu hướng phát triển của kinh tế thế giới. ASEAN cũng cần đẩy mạnh các nỗ lực hội nhập kinh tế, chống lại chính sách bảo hộ thương mại để duy trì sự cạnh tranh và thịnh vượng của khu vực ASEAN. Tại các nền kinh tế đang có tăng trưởng xuất khẩu đáng kể như Singapore, Malaysia, nhu cầu tư nhân nội địa cũng tăng mạnh. Điều đó chủ yếu nhờ vào lĩnh vực SX phục vụ cho xuất khẩu ở các nền kinh tế này. Mặt khác, kinh tế nội địa ở một số khu vực của ASEAN cho thấy sự suy giảm về đà tăng trưởng. Theo số liệu ban đầu, lạm phát trong ASEAN đã ở mức 2,4% vào tháng 10/2017, thấp hơn mức 2,5% của tháng 9/2017. Trong tháng 11/2017, các ngân hàng trung ương của Malaysia và Thái Lan đã giữ mức lãi suất không thay đổi; Ngân hàng Indonesia đã tạm ngừng chu kỳ nới lỏng trong tháng 10/2017. Các nhà phân tích cho rằng lạm phát khu vực ASEAN sẽ tăng nhẹ lên mức 3,1% trong năm 2018, tăng so với mức trung bình 3% của năm 2017.
 
Xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và thị trường ASEAN trong tháng 11/2017
 
Theo số liệu thống kê sơ bộ, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và các nước trong khối thị trường ASEAN tháng 11/2017 ước đạt 4,49 tỷ USD, tăng 3,3% so với tháng 10/2017 và tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2016; nâng kim ngạch xuất nhập khẩu chung trong 11 tháng năm 2017 lên 45,31 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang các nước trong khối thị trường ASEAN ước đạt 1,98 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng 10/2017 và tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2016; lũy kế 11 tháng năm 2017 đạt 20,01 tỷ USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2016. Việt Nam nhập khẩu từ các nước thuộc khối thị trường ASEAN ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng 10/2017 và tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2016; lũy kế 11 tháng năm 2017 ước đạt 25,3 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy trong 11 tháng năm 2017, Việt Nam nhập siêu từ ASEAN trên 5,28 tỷ USD. ASEAN đã và đang thành công trong việc thu hút đầu tư và tham gia vào các thỏa thuận thương mại tự do với một số đối tác thương mại lớn, hội nhập khu vực với nền kinh tế toàn cầu. Nhiều Hiệp định thương mại tự do của ASEAN với các đối tác thương mại trong khu vực đã có hiệu lực nhằm khai thác tiềm năng to lớn về hợp tác và tăng trưởng, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động thương mại, đầu tư giữa ASEAN với các đối tác, hướng tới một khu vực ASEAN với sự tự do dịch chuyển hàng hóa, dịch vụ và lao động có kỹ năng, tự do dịch chuyển dòng vốn. Với việc hiện thực hóa Cộng đồng kinh tế (AEC), ASEAN sẽ trở thành một thị trường đơn nhất, một không gian SX chung, hướng tới sự phát triển năng động và cạnh tranh hơn; tạo ra những cơ hội mới cho DN Việt Nam như cơ hội về cắt giảm thuế quan, hưởng lợi ích từ việc áp dụng các thuận lợi hóa thương mại. Đồng thời, giúp các DN có nhiều sự lựa chọn hơn để đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ ASEAN cho hàng hóa trao đổi trong khu vực. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2017 của Việt Nam với khu vực ASEAN đạt 40,82 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN đạt 18,03 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ và chiếm 10,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; Nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam có xuất xứ từ các nước ASEAN đạt 22,79 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 13,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Như vậy, trong 10 tháng năm 2017 cán cân thương mại hàng hóa giữa Việt Nam với các nước ASEAN thâm hụt 4,76 tỷ USD, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, các nước có mức thâm hụt lớn nhất là với Thái Lan thâm hụt 4,55 tỷ USD, với Singapore thâm hụt 1,86 tỷ USD, với Malaysia thâm hụt 1,08 tỷ USD, với Indonesia thâm hụt 597,2 triệu USD. Các nước có mức thặng dư thương mại lớn nhất là Philippines thặng dư 1,4 tỷ USD, Campuchia thặng dư 1,37 tỷ USD, Myanmar thặng dư 452,26 triệu USD, Lào thặng dư 131,98 triệu USD... Bốn thị trường Việt Nam có kim ngạch nhập khẩu trên 2 tỷ USD trong 10 tháng năm 2017 là Thái Lan với 8,47tỷ USD, Malaysia với 4,67 tỷ USD, Singapore với 4,39 tỷ USD, Indonesia hơn 2,95 tỷ USD. Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu sang 6 thị trường có trị giá đạt trên 2 tỷ USD là Thái Lan với 3,92 tỷ USD và Malaysia với 3,58 tỷ USD, Singapore với 2,53 tỷ USD, Indonessia với 2,36 tỷ USD, Philippines với 2,36 tỷ USD, Campuchia với 2,24 tỷ USD. Tính riêng tháng 10/2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với khu vực ASEAN đạt trên 4,34 tỷ USD, tăng 5% so với tháng 9/2017 và tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2016, chiếm 11,3% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN đạt 1,89 tỷ USD, giảm 1,9% so với tháng 9/2017 nhưng tăng 26,4% so với cùng kỳ và chiếm 9,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; Nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam có xuất xứ từ các nước ASEAN đạt 2,45 tỷ USD, tăng 11,1% so với tháng 9/2017 và tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 13,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Như vậy, trong tháng 10/2017, cán cân thương mại hàng hóa giữa Việt Nam với các nước ASEAN thâm hụt 552,78 triệu USD.
 
Nhận định và dự báo trong thời gian tới
 
Thuận lợi: ASEAN là một trong những thị trường truyền thống và tiềm năng cho các DN xuất khẩu Việt Nam. Trong khối ASEAN, Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) và Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Trong đó, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN quy định rõ số dòng thuế được lùi thời hạn xóa bỏ thuế quan đến năm 2018 với nhóm nước Campuchia, Lào, Myanma. Hiện nay Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 5 trong khu vực ASEAN, điều đó khẳng định hàng hóa của Việt Nam đã có chỗ đứng trong khu vực và đang từng bước thâm nhập vào thị trường các nước trogn khu vực ASEAN. Từ năm 2018, phần lớn thuế các sản phẩm nhập khẩu từ khu vực ASEAN sẽ giảm về 0%, đi kèm với đó là một loạt FTA khác có hiệu lực, cơ hội hợp tác thương mại với các nước trong khu vực ASEAN và các đối tác sẽ gia tăng.
 
Khó khăn: ASEAN cũng là một thị trường có áp lực cạnh tranh rất lớn. Đơn cử như đối với ngành dệt may, mặc dù có quy mô ngành tương đối lớn so với các đối thủ chính (Thái Lan, Indonesia), nhưng các DN ngành dệt may của Việt Nam vẫn chưa làm chủ được nguồn nguyên liệu, tỷ lệ nội địa hóa hạn chế. Còn mặt hàng phân bón cũng có lợi thế xuất khẩu nhiều hơn vào các thị trường ASEAN, dù vậy các DN phân bón cũng đang phải đối diện với sự cạnh tranh gay gắt và vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia thành viên ASEAN phụ thuộc lớn vào xuất khẩu. Việc này khiến họ dễ chịu ảnh hưởng từ các biến động toàn cầu. ASEAN hiện đã trở thành lựa chọn thay thế Trung Quốc, nhờ giá nhân công rẻ, nhu cầu nội địa tăng và cơ sở vật chất cải thiện. Dù vậy, thương mại giữa các nước trong khối vẫn còn thấp, so với các nhóm nước tương tự, như EU. Thương mại nội khối chỉ đóng góp tổng cộng một phần năm kim ngạch, thấp hơn rất nhiều so với hơn 60% tại EU. Rào cản phi thuế quan giữa các nước cũng vẫn cao, đặc biệt là tại Indonesia. Khoảng cách về trình độ phát triển giữa các nước ASEAN còn quá lớn. Trình độ công nghệ SX, đặc biệt trong các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến còn ở mức yếu kém, do đó chất lượng hàng hóa không đủ sức cạnh tranh với các nước khác trong khu vực. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam và các nước ASEAN khác tương đối giống nhau, trong khi đó sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam yếu, do đó Việt Nam đứng trước một thách thức lớn là phải đuổi kịp và vượt các nước trong khu vực về chất lượng, mẫu mã và giá cả hàng hóa. Các qui định về thủ tục hành chính còn rườm rà, không rõ ràng.
 
Thời gian tới, các DN cần tận dụng Bản thỏa thuận ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu với Lào, Bản thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương với Campuchia; lợi thế của hàng Việt Nam tại hai thị trường này và Myanmar để đẩy mạnh xuất khẩu. Trong dài hạn, để vượt qua được những thách thức cũng như tận  dụng những thuận lợi do cộng đồng kinh tế ASEAN mang lại, để thâm nhập và phát triển xuất khẩu vào các thị trường mục tiêu, những nỗ lực từ phía Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước sẽ là không đủ nếu thiếu sự chủ động của các DN và Hiệp hội ngành hàng. Các DN, nhất là các DN xuất nhập khẩu cần chủ động nâng cao năng lực kinh doanh cho phù hợp với điều kiện và môi trường kinh doanh. Đồng thời, cũng cần xây dựng chiến lược kinh doanh để duy trì và phát triển bền vững hoạt động kinh doanh của mình.
 
Dự báo triển vọng một số mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu sang ASEAN
 
Trong số các nước ASEAN, Myanmar được đánh giá là thị trường có tiềm năng lớn cho DN Việt Nam tăng cường xuất khẩu hàng hóa cũng như đầu tư. Việt Nam được coi là đối tác thương mại lớn, đứng thứ 10 trong các nước đối tác về thương mại của Myanmar. Thời gian gần đây, cùng với tăng trưởng chung trong hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam - Myanmar, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này tăng trưởng khá ấn tượng. Quốc gia này cũng có nhiều chính sách miễn, giảm thuế để thu hút đầu tư nước ngoài như: Miễn thuế thu nhập 5 năm, quyền khấu trừ sụt giá, thuế thu nhập 50% với lợi nhuận xuất khẩu, miễn hoặc giảm thuế thương mại với hàng xuất khẩu… Những mặt hàng mà DN Việt Nam có thể đẩy xuất khẩu sang thị trường Myanmar gồm: Cà phê, hạt tiêu, chè, nhân điều, các mặt hàng thực phẩm chế biến, bánh kẹo, hàng hóa phục vụ SX nông nghiệp, thủy sản, sắt thép... Sức mua và nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng Myanmar tăng cao, trong khi hàng nội địa chỉ đáp ứng được 10% sức mua của người tiêu dùng. Người Myanmar cần nhiều hàng hóa phục vụ cho cuộc sống hàng ngày như thuốc chữa bệnh và thiết bị y tế, săm lốp các loại, đồng hồ đo điện, phụ tùng các loại, vật liệu xây dựng, thuốc trừ sâu, mỹ phẩm, phân bón, nông sản thực phẩm, sắt thép vật liệu xây dựng, nguyên phụ liệu dệt may, mỹ phẩm, các loại hàng tiêu dùng phục vụ dân sinh... Các ngành nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, thủy sản và lâm sản chiếm 50% GDP nhưng phát triển rất chậm. Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 10/2017 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Myanmar đạt 563,3 triệu USD, tăng 50,1% so với cùng kỳ năm 2016, tính riêng tháng 10 kim ngạch xuất sang thị trường này đạt 80,3 triệu USD, tăng 4,2% so với tháng 9/2017 và tăng 106,4% so với cùng kỳ năm 2016. Trong các nhóm hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Myanmar 10 tháng qua thì phương tiện vận tải và phụ tùng là nhóm hàng chủ lực, chiếm 10,6% thị phần, đạt 59,7 triệu USD, tăng 45,5% so cùng kỳ năm 2016. Đặc biệt, tuy đứng thứ hai về kim ngạch nhưng tốc độ xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép sang thị trường Myanmar thời gian này tăng mạnh vượt trội, tăng gấp hơn 2 lần so với 10 tháng năm 2016, đạt 58,2 triệu USD. Kế đến là máy móc thiết bị phụ tùng tăng 60,62%, đạt 54,3 triệu USD. Hiện sắt thép là ngành đang chịu nhiều khó khăn từ chính sách phòng vệ thương mại của nhiều thị trường nhập khẩu chính, đối với thị trường Myanmar , thời gian qua giá xuất khẩu sắt thép của Việt Nam sang thị trường này tăng, đây cũng là một thuận lợi các DN Việt Nam có thể xem Myanmar là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu sắt thép thời gian tới./.
Thái Chuyên (Nguồn: Bộ Công Thương)
Liên kết website