NÂNG CAO CẢNH GIÁC TRƯỚC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC, PHỦ NHẬN GIÁ TRỊ Ý NGHĨA LỊCH SỬ TO LỚN CỦA CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ NGÀY 07/5/1954
Những thắng lợi vĩ đại và huy hoàng của dân tộc ta ở thế kỷ XX mà Điện Biên Phủ là một mốc son chói lọi, cùng với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đã tạo ra thế và lực mới cho đất nước hôm nay, để nhân dân Việt Nam ngẩng cao đầu, vững bước đi tới tương lai. Chiến thắng Điện Biên Phủ “như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”. Sự kiện này đã lùi vào lịch sử, dấu tích chiến tranh ngày càng lùi xa trên thành phố Điện Biên Phủ thân yêu đổi mới, nhưng giá trị và ý nghĩa của chiến thắng lịch sử này vẫn vẹn nguyên.
Về chiến thắng Điện Biên Phủ, đã nhiều lần chúng ta khẳng định rõ ý nghĩa, tầm vóc của nó trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc cũng như đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, bản chất, tính chất của cuộc chiến tranh đóng vai trò rất quyết định đến giá trị lịch sử và ý nghĩa của cuộc chiến tranh đó. Vì thế, các thế lực thù địch đã cố tình nhập nhằng, đánh lộn bản chất, tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Chiến dịch Điện Biên Phủ của nhân dân ta với cuộc chiến tranh xâm lược, phi nghĩa của thực dân Pháp. Nếu Điện Biên Phủ “chỉ là cuộc đụng độ giữa hai thế lực hiếu chiến” như họ nói, thì chiến thắng Điện Biên Phủ của nhân dân ta cũng chẳng có giá trị và ý nghĩa như chính chiến thắng vĩ đại này đã mang lại. Việc đánh lộn bản chất, tính chất của cuộc chiến tranh là rất nguy hại. Nó vừa làm cho một số người nhẹ dạ, cả tin dễ mất cảnh giác, không nhận thức đúng bản chất, tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (trong đó có Chiến dịch Điện Biên Phủ) của nhân dân ta và hành động chiến tranh xâm lược của địch; vừa trực tiếp xuyên tạc, làm suy giảm và phủ nhận giá trị lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ.
Trên thực tế, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành mọi biện pháp để cứu vãn, giành lấy hòa bình bằng giải pháp đàm phán với Pháp mà cả thế giới đều biết. Nhưng với dã tâm xâm lược hòng tiếp tục nô dịch đất nước ta một lần nữa, thế lực hiếu chiến Pháp đã đưa hàng chục vạn sĩ quan, binh lính quân đội nhà nghề, với hàng triệu tấn bom đạn, vũ khí, phương tiện chiến tranh tối tân nhất đương thời để đàn áp hàng chục triệu người dân Việt Nam vô tội. Dã tâm và hành động đó là không thể biện minh. Ngay tướng Pháp Nava trong cuốn sách “Đông Dương hấp hối” đã phải thú nhận: “Cuộc chiến tranh Đông Dương không phải là một cuộc chiến tranh dân tộc (đây là dân tộc Pháp). Đó là một cuộc viễn chinh thôn tính ở một nơi xa xôi, tiến hành với một quân đội chuyên nghiệp đơn độc”3 bởi đây là cuộc chiến phi nghĩa và khẳng định: “Về phương diện chính trị, Việt Minh là một quốc gia thật sự”. Nhà văn Jules Rot đã viết về mục đích chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam: “Họ là quân giải phóng Việt Nam và biết rằng họ chiến đấu vì nền độc lập của mình chống lại một chủ nghĩa thực dân đang bị xóa sổ trên toàn thế giới. Nếu họ chết đi, họ sẽ chết với tiếng thét tự do”.
Không thể xuyên tạc, phủ nhận giá trị lịch sử mang tầm thời đại của chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là một trong những chiến công hiển hách, vang dội nhất trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa to lớn, mang tầm vóc thời đại. Nó không những buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Genéve, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, mà còn buộc chúng phải công nhận độc lập của nhân dân Lào và Campuchia, rút quân khỏi ba nước Đông Dương. Một chân lý lớn của thời đại: các dân tộc bị áp bức, xâm lược nếu có ý chí kiên cường và đường lối đúng đắn, sáng tạo, biết đoàn kết đấu tranh vì độc lập tự do, thì dân tộc đó nhất định thắng lợi. Điều đó đã được chiến thắng Điện Biên Phủ khẳng định và chứng minh sinh động trong thực tiễn bằng chính tinh thần và ý chí chiến đấu, hy sinh của quân dân ta.
Giá trị và ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ được nhiều nhà nghiên cứu, quân sự, lịch sử trên thế giới đánh giá cao, xem đây là “một Xtalingrat của lịch sử chiến đấu giải phóng thuộc địa”. Nó đã giáng một đòn chí mạng vào nền móng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đánh sập thành lũy của chủ nghĩa thực dân cũ, báo hiệu sự thất bại chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chủ nghĩa thực dân mới do đế quốc Mỹ cầm đầu. Nhà sử học Berna Fol cho rằng: “Điện Biên Phủ không chỉ là một chiến thắng quân sự của Việt Minh đối với người Pháp, mà còn là một chiến thắng chính trị của Việt Minh đối với người Mỹ”. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm đảo lộn chính sách thuộc địa của thực dân Pháp, buộc chúng phải có sự điều chỉnh, tôn trọng quyền của các dân tộc, công bố “quyền tự trị” hoặc trao trả độc lập cho nhiều nước trên thế giới; làm sụp đổ từng mảng hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ, trở thành ngọn cờ tiên phong trong phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Nó thôi thúc, cổ vũ nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc ở châu Á, châu Phi và Mỹ - Latinh đứng lên đấu tranh tự giải phóng, giành độc lập dân tộc, thoát khỏi ách xâm lược, nô dịch của chủ nghĩa thực dân, đế quốc.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng có giá trị lịch sử to lớn và ý nghĩa thời đại sâu sắc. Đó là chiến thắng của độc lập dân tộc trước thế lực thực dân xâm lược; chiến thắng của chính nghĩa, nhân đạo trước phi nghĩa, bạo tàn và là chiến thắng của ý chí giải phóng của nhân dân trong “một quốc gia thật sự” đại biểu cho tinh thần dân tộc, khát vọng hòa bình của nhân loại trước thế lực đế quốc, thực dân cũ ở giữa thế kỷ XX. Chiến thắng Điện Biên Phủ “đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và anh dũng của nhân dân ta, chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Bài học, giá trị và tinh thần Điện Biên Phủ đã tiếp nối và nhân lên sức mạnh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Kế thừa tinh thần đó, chúng ta bước vào cuộc chiến đấu mới, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa
Vì vậy, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống, tinh thần yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc bằng mọi hình thức. Từ đó khẳng định giá trị lịch sử to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ. Bên cạnh đó, cần chủ động, sáng tạo tăng cường mọi biện pháp rèn luyện, nâng cao bản lĩnh, lập trường tư tưởng, chính trị để cán bộ, đảng viên luôn có đủ kiến thức, nhãn quan chính trị, nhậy bén nhận biết những thông tin sai trái, xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử của kẻ xấu để lên án, đấu tranh hiệu quả.
Nguyễn Minh Thư
Tin khác
- Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng - Người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên (20/10/1914 - 20/10/2024)
- Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/1925-21/6/2024
- Nguồn gốc, ý nghĩa ngày Tết Đoan ngọ 5/5
- Học Bác từ tấm gương tự học và tác phong làm việc hiệu quả, chuẩn mực
- Chiến thắng Điện Biên Phủ - Thắng lợi của sức mạnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh
- NÂNG CAO CẢNH GIÁC TRƯỚC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC, PHỦ NHẬN GIÁ TRỊ Ý NGHĨA LỊCH SỬ TO LỚN CỦA CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ NGÀY 07/5/1954
- LỊCH SỬ RA ĐỜI CỦA ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH 26/3
- Xuân sang, nghĩ về Đảng
- Long An tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận Hiệp Hòa và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh
- Thư của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhân dịp khai giảng năm học mới