Mưu sinh mùa nước nổi​

14/12/2017 01:00:0AM
Màu chữ Cỡ chữ
Vĩnh Thuận là một xã thuần nông, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp là chính. Vì vậy, hàng năm, cứ độ tháng 10, khi mùa nước nổi tràn về, người dân xã Vĩnh Thuận nói riêng và huyện Vĩnh Hưng nói chung lại tất bật với cuộc sống mưu sinh.

Do mùa nước làm gián đoạn công việc của nhà nông nên một số người dân tranh thủ mấy tháng nhàn rỗi thì lên Bình Dương hay TP. Hồ Chí Minh để làm thêm, một số khác thì ở lại tận dụng mùa nước dâng cao để đánh bắt thủy sản, kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Những sản vật trong mùa nước nổi đã giúp hàng trăm hộ dân trên điạ bàn có cuộc sống khấm khá hơn.
 
     Giờ đây, bà con Nhân dân xã Vĩnh Thuận không chỉ quen với việc "sống chung" với lũ, mà mùa lũ còn là mùa họ có thể làm ra tiền. Trước đây, người dân chỉ biết tận thu sản vật mùa nước nổi, nay họ đã biết cách sản xuất, canh tác đón lũ bằng việc tận dụng nguồn nước nuôi cá, nuôi vịt. Anh Đặng Văn Toàn ngụ ấp Xóm Mới xã Vĩnh Thuận cho biết: "Vào đầu mùa nước anh bắt khoản 3.000 con cá lóc giống, tận dụng nguồn thức ăn có được từ việc giăng lưới bắt cá trên đồng nên đàn cá của anh lớn rất nhanh, đến nay trung bình mỗi con cá đạt trong lượng khoảng từ 200 -300gr, dự tính khoảng 2 tháng nữa sẽ cho thu hoạch". Anh cho biết thêm: " việc nuôi cá mùa nước nổi giảm được chi phí khoảng 30% so với ngày thường. Bởi mùa nước nổi có nhiều phù sa, rong tảo, thức ăn, cá nuôi rất mau lớn, ít bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp". Một số bà con khác thì tận dụng nguồn nước trên đồng, dùng lưới rào lại để nuôi vịt. Vì nguồn thức ăn chính của vịt là ốc, cá, cua…rất dễ tìm được trong mùa nước nổi.​
 


 
(nuôi vịt mùa lũ)

 
     Ngoài việc nuôi cá, nuôi vịt đa số người dân còn dùng các dụng cụ đánh bắt cá khác như giăng lưới, đặt xà di, đặt lộp cá, lộp cua,…để mưu sinh mùa lũ kiếm thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Ông Võ Văn Khuân, ngụ Xóm Mới cho biết: ông giăng lưới ba màng trên đồng, ngày nào nhiều thì được hơn 20kg cá, ngày ít thì cũng được hơn 10kg. Các loại cá ông giăng được như: cá mè vinh có giá khoảng 15.000đ/kg, cá rô phi khoảng 20.000 đ/kg, trung bình mỗi ngày ông kiếm được hơn 200.000 đồng từ việc đánh bắt cá. Còn theo ông Nguyễn Văn Lợi ngụ ấp Ông Lẹt: mùa nước năm nay ông đặt khoảng 80 cái xà di, mỗi ngày ông bắt được khoảng 8-10 kg cá rô, bán với giá từ 35.000 - 40.000đ/kg, trung bình mỗi ngày ông thu nhập hơn 300.000đ. Hay một số bà con đặt lợp cua thì cho hay: hiện giá bán cua đồng cho vựa dao động từ 20.000 đến 25.000 đồng/kg tùy loại, sau khi trừ hết chi phí, mỗi người dân thu hơn 200.000 đồng/ngày. Đây là những việc dễ kiếm tiền nhất trong mùa lũ.
 
     Bên cạnh đó, do nguồn sản vật mùa nước nổi nhiều, một số hộ dân khác còn làm ra các sản phẩm từ thủy sản như: mắm, nước mắm, khô cá các loại, khô lươn, khô chuột,….Mùa nước năm nay, hầu như nhà nào cũng dự trữ cho mình vài khạp mắm ủ hay vài kg khô cá, khô chuột dùng để ăn dần hoặc  đem bán cũng có thêm thu nhập. Thêm vào đó, những người đi bắt ốc, hái bông điên điển, bông súng và các loại rau đồng trong mùa này cũng kiếm từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng mỗi ngày. Không chỉ thế, các hộ dân cắt lục bình phơi khô bán cho thương lái với giá từ 8.000 – 10.000đ/kg, vừa tạo thông thoáng cho dòng chảy, vừa có thêm thu nhập cho gia đình.
 
     Ngày nay, mưu sinh mùa nước nổi không chỉ dễ dàng kiếm thêm thu nhập cho gia đình mà người dân còn nhạy bén dựa vào lũ để tổ chức sản xuất những loại cây, con giống phù hợp trong từng thời điểm. Vì vậy, mưu sinh trong mùa nước nổi đã trở thành tập quán canh tác mang tính "năng động" của người dân vùng lũ Vĩnh Hưng./.
 

Tin, ảnh: Văn Hiện
Liên kết website