ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 48 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2023)

17/04/2023 09:25:14AM
Màu chữ Cỡ chữ

 

I. CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ, CHIẾN CÔNG OANH LIỆT CỦA SỰ NGHIỆP CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC, GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC

1. Bối cảnh quốc tế và trong nước

Trên thế giới, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đế quốc Mỹ có tiềm lực rất mạnh, nổi lên cầm đầu phe đế quốc, hiếu chiến với mưu đồ bá chủ thế giới, từng bước khẳng định sự có mặt ở Đông Dương. Sau thất bại của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ, chủ nghĩa thực dân cũ sụp đổ, đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam Việt Nam, áp đặt chủ nghĩa thực dân mới, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Lúc này trên thế giới đã phân chia thành hai hệ thống đối đầu gay gắt bằng cuộc “chiến tranh lạnh” và chạy đua vũ trang quyết liệt.Hệ thống chủ nghĩa xã hội, phong trào công nhân ở các nước tư bản, phong trào giải phóng dân tộc ở khắp nơi trên thế giới dâng cao. Trong nước, sau chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc được giải phóng và bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam vẫn dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai. Đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trở thành nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân tộc ta.

2. Những bước phát triển của cuộc kháng chiến

2.1. Từ tháng 7/1954 đến hết năm 1960: Đấu tranh giữ gìn lực lượng, chuyển dần sang thế tiến công, làm thất bại bước đầu phương thức chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ

Những chiến thắng oanh liệt trong kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 đã buộc thực dân Pháp và can thiệp Mỹ phải ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Campuchia và Lào. Nhưng với những mưu đồ đã dự tính từ trước, đế quốc Mỹ trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơnevơ, hất cẳng Pháp, gạt bỏ những thế lực tay sai của Pháp, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, thực hiện chính sách thực dân mới, chia cắt lâu dài đất nước ta. Chính quyền Mỹ - Diệm tập trung thực hiện biện pháp “tố cộng”, “diệt cộng”, đàn áp, khủng bố phong trào yêu nước, trả thù những người kháng chiến cũ, tiêu diệt cơ sở cách mạng ở miền Nam, ban hành Luật 10/59 “đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”, biến cả miền Nam thành nơi tràn ngập nhà tù, trại giam, trại tập trung. Cách mạng miền Nam bị dìm trong biển máu.

Đứng trước tình thế mới, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo quân và nhân dân cả nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Một là cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, xây dựng miền Bắc thành căn cứ cách mạng vững mạnh của cả nước. Hai là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam nhằm giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, thực hiện thống nhất nước nhà. Thực hiện nhiệm vụ trên, miền Bắc tích cực triển khai những công việc bộn bề sau chiến tranh, nhanh chóng tổ chức cuộc sống mới. Trong ba năm (1958 - 1960), chúng ta đã hoàn thành về cơ bản công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, căn bản xóa bỏ chế độ bóc lột, bước đầu xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội theo con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, chuẩn bị một số nội dung cho cách mạng cả nước trong giai đoạn mới. Ở miền Nam, cuộc đấu tranh diễn ra vô cùng khó khăn, ác liệt, nhưng đại bộ phận nhân dân vẫn một lòng theo Đảng, bất khuất chống áp bức, khủng bố, bảo vệ lực lượng cách mạng. Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II ra đời, xác định rõ mục tiêu, phương pháp cách mạng miền Nam, mối quan hệ chiến lược của cách mạng hai miền, giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới; phản ánh đúng nhu cầu của lịch sử, giải quyết kịp thời yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam; định hướng và động viên nhân dân miền Nam vùng lên đấu tranh, tạo ra phong trào Đồng khởi (1959 - 1960), xoay chuyển tình thế cách mạng miền Nam, làm tan rã hàng loạt bộ máy của Ngụy quyền ở các thôn, xã.

2.2. Từ đầu năm 1961 đến giữa năm 1965: Giữ vững và phát triển thế tiến công, đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ

Từ cuối năm 1960, đế quốc Mỹ thay đổi chiến lược, áp dụng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” để đối phó với cách mạng miền Nam. Đó là chiến lược dùng quân đội ngụy tay sai làm công cụ tiến hành chiến tranh, càn quét, dồn dân vào ấp chiến lược, đưa 10 triệu nông dân miền Nam vào các trại tập trung, tách lực lượng cách mạng ra khỏi nhân dân. Cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam chuyển sang giai đoạn mới, từ khởi nghĩa từng phần lên chiến tranh cách mạng, kết hợp song song cả đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, đánh địch bằng cả ba mũi giáp công, trên cả ba vùng chiến lược, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ và tay sai. Ở miền Bắc, các mặt trận kinh tế, văn hoá, an ninh quốc phòng đều có bước phát triển mới. Quân và dân miền Bắc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu và chi viện cho miền Nam.

2.3. Từ giữa năm 1965 đến hết năm 1968: Đảng phát động toàn dân chống Mỹ cứu nước, đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ ở miền Nam, đánh thắng cuộc phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ nhất ở miền Bắc

Trước nguy cơ phá sản của “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, sử dụng quân đội Mỹ là lực lượng cơ động chủ yếu tiêu diệt bộ đội chủ lực ta; dùng ngụy quân, ngụy quyền để bình định, kìm kẹp nhân dân, âm mưu đánh bại cách mạng miền Nam trong vòng 25 đến 30 tháng (từ giữa năm 1965 đến hết năm 1967), kết hợp với đẩy mạnh chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân.

Trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta đã đánh thắng quân xâm lược Mỹ ngay từ những trận đầu khi chúng vừa đổ bộ vào. Tiếp theo những trận thắng oanh liệt ở Núi Thành, Vạn Tường, Plây-me, Đất Cuốc, Bàu Bàng, ta lại đánh bại ba cuộc hành quân lớn của Mỹ vào miền Đông Nam bộ, đánh thắng lớn ở các chiến trường Tây Nguyên, miền Tây khu V, Đường 9, đồng bằng Nam bộ và các mục tiêu chủ yếu của địch ở các thành phố lớn. Quân dân miền Bắc tiếp tục đánh trả cuộc tiến công của Mỹ bằng không quân và hải quân, giành những thắng lợi lớn trên nhiều mặt, bảo đảm giao thông thông suốt, chi viện sức người, sức của ngày càng lớn cho miền Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đã giáng một đòn quyết định vào chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Pa-ri, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn mới.

2.4. Từ năm 19 69 đến năm 1973: Phát huy sức mạnh liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia, làm thất bại một bước chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ hai ở miền Bắc, tạo thế mạnh trong đàm phán

Đế quốc Mỹ thi hành chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, từng bước mở rộng chiến tranh sang Campuchia, Lào. Thủ đoạn xảo quyệt của Mỹ là thực hiện chiến tranh hủy diệt và chiến tranh giành dân, chiến tranh bóp nghẹt để làm suy yếu cuộc kháng chiến của nhân dân ta trên cả hai miền Nam - Bắc. Quân và dân ta phối hợp với quân, dân hai nước Lào, Campuchia đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”. Những thắng lợi của chiến tranh cách mạng ba nước Đông Dương trong hai năm 1970 - 1971 đã tạo thuận lợi cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.

Nhờ chuẩn bị tốt lực lượng, nắm đúng thời cơ, quân và dân ta đã liên tiếp giành thắng lợi lớn trên chiến trường, nhất là cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai ở miền Bắc, nổi bật là đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng pháo đài bay B52 của Mỹ, làm thay đổi cục diện chiến trường, cục diện chiến tranh. Trong đàm phán, chúng ta cũng khôn khéo tiến công địch, phối hợp chặt chẽ giữa “đánh và đàm”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri, rút hết quân Mỹ và quân các nước chư hầu ra khỏi miền Nam. So sánh lực lượng thay đổi hẳn, có lợi cho ta, tạo điều kiện cơ bản nhất để ta giành thắng lợi cuối cùng.

2.5. Từ cuối năm 1973 đến ngày 30/4/1975: Tạo thế và lực, tạo thời cơ, kiên quyết tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước

Sau khi ký Hiệp định Pa-ri, mặc dù buộc phải rút hết quân nhưng đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục âm mưu dùng ngụy quân, ngụy quyền làm công cụ để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. Mỹ tăng cường tiền của, vũ khí, phương tiện chiến tranh cho ngụy lấn đất, giành dân, khống chế nhân dân, thực hiện các hoạt động ngoại giao xảo quyệt để ngăn chặn sự phát triển của cách mạng miền Nam. Đến tháng 5/1973, xu thế chống phá Hiệp định Pa-ri của địch ngày càng tăng.Chúng điên cuồng đánh phá hòng xóa bỏ vùng giải phóng của ta, đẩy lùi lực lượng cách mạng.

Tháng 7/1973, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 21 đã khẳng định con đường cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực và đề ra các nhiệm vụ lớn cho hai miền Nam - Bắc. Nửa cuối năm 1974, cuộc chiến tranh của quân và dân ta ở miền Nam chống lại chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” đã giành được thắng lợi. Ta ngày càng mạnh lên, ngụy ngày càng suy yếu rõ rệt. Nước Mỹ lâm vào khủng hoảng nội bộ. Tháng 7/1974, Đảng ta chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976, nếu thời cơ đến sẽ giải phóng miền Nam trong năm 1975. Thắng lợi toàn miền, nhất là của miền Đông Nam Bộ, đặc biệt là chiến thắng Phước Long cuối năm 1974 - đầu năm 1975 càng cho thấy thực tế suy yếu của quân ngụy Sài Gòn và khả năng Mỹ khó quay lại Việt Nam. Đảng ta nhận định thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 bắt đầu từ ngày 04/3 bằng ba đòn chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu bằng trận đột phá đánh chiếm Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên; Chiến dịch Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn - Gia Định kết thúc vào ngày 30/4. Qua gần 2 tháng chiến đấu với sức mạnh áp đảo về chính trị và quân sự, quân và dân ta đã giành được toàn thắng, kết thúc 21 năm trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

3. Ý nghĩa lịch sử

- Đối với Việt Nam: Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm của dân tộc. Nhân dân ta đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất của loài người tiến bộ; kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất cho đất nước; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; đánh dấu bước ngoặt quyết định trong lịch sử dân tộc, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập tự do, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

- Đối với thế giới : Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới; góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hoà bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ, động viên các nước đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc; mở đầu sự phá sản của chủ nghĩa thực dân mới trên toàn thế giới.

4. Nguyên nhân thắng lợi

Một là, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định hàng đầu bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Hai là, nhân dân và các lực lượng vũ trang nhân dân đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một lòng đi theo Đảng, đi theo Bác Hồ, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, bền bỉ, lao động quên mình vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và vì quyền con người.

Ba là, cả nước đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, trên dưới một lòng, triệu người như một, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Bốn là, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, tạo thành sức mạnh tổng hợp đánh Mỹ và thắng Mỹ.

Năm là, đoàn kết, liên minh chiến đấu với nhân dân Lào và nhân dân Campuchia; đoàn kết quốc tế.

5. Bài học kinh nghiệm

Thứ nhất: Xác định đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm của cách mạng Việt Nam.

Thứ hai: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Thứ ba: Vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt phương pháp đấu tranh cách mạng, phương thức tiến hành chiến tranh toàn dân và nghệ thuật quân sự chiến tranh toàn dân, xây dựng và phát triển lý luận chiến tranh cách mạng, chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Thứ tư: Chủ động, nhạy bén, linh hoạt trong chỉ đạo chiến lược chiến tranh cách mạng và nghệ thuật tạo và nắm thời cơ giành những thắng lợi quyết định.

Thứ năm: Phải luôn luôn chú trọng xây dựng Đảng trong mọi hoàn cảnh, nâng cao sức chiến đấu và phát huy hiệu lực lãnh đạo của Đảng.

II. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA TỈNH TRONG QUÝ I/2023

Năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng làm chuyển biến căn bản, tạo đà, tạo lực cho những năm tiếp theo hoàn thành thắng lợi trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh và Đại hội XIII của Đảng. Tỉnh ủy xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 là: “Tập trung lãnh đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế bền vững; huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực để triển khai hiệu quả các chương trình đột phá, công trình trọng điểm. Kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh. Đẩy mạnh cải cách hà nh chính; tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường xã hội hóa trên các lĩnh vực; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững quốc phòng, an ninh, đảm bảo các hoạt động đối ngoại. Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phát huy dân chủ và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Về kết quả thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy quý I năm 2023

Trong 3 tháng đầu năm 2023, mặc dù ảnh hưởng tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế-xã hội trong nước, trong tỉnh, trong điều kiện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực, phấn đấu thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy trong quý I/2023 đạt được một số kết quả khả quan trên các lĩnh vực:

* Về lĩnh vực kinh tế

Tình hình kinh tế trong quý I tiếp tục có sự tăng trưởng; tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 3,82%, cao hơn so với cùng kỳ; trong đó, khu vực 1 tăng 2,72%, khu vực 2 tăng 5,43% và khu vực 3 tăng 3,15%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,28% .

- Sản xuất nông nghiệp được quan tâm chỉ đạo chặt chẽ; tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; các cây trồng chủ lực của tỉnh phát triển khá. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cơ bản được kiểm soát; nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển; tình hình tiêu thụ nông sản, gia súc, gia cầm ổn định, giá cao hơn so với cùng kỳ; công tác quản lý, bảo vệ rừng được quan tâm.Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 được tích cực triển khai. Chương trình đầu tư xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm thực hiện (đến nay, toàn tỉnh có 118/161 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 73 ,29 %; 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm 24,1%; toàn tỉnh có 77 sản phẩm đạt chuẩn OCOP: 26 sản phẩm đạt 4 sao, 51 sản phẩm đạt 3 sao).

- Công nghiệp, xây dựng phát triển ổn định và đạt nhiều kết quả tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2023 tăng 7,44% so với cùng kỳ; 33/58 nhóm sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng. Công tác xúc tiến, thu hút, hỗ trợ đầu tư được quan tâm, thực hiện quyết liệt các giải pháp để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), (ngày 11/4/2023, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ công bố báo cáo thường niên PCI năm 2022. Tỉnh Long An đã có sự bức phá ngoạn mục tăng 6 bậc, vươn lên vị trí Top 10 các tỉnh, thành có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tốt nhất năm 2022 với 68,45 điểm). Đầu tư trong nước tăng mạnh so với cùng kỳ (lũy kế đầu năm, thành lập mới 348 doanh nghiệp, tổng vốn 4.568 tỷ đồng, đến nay trên địa bàn tỉnh có 15.621 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, tổng vốn đăng ký là 358.021 tỷ đồng) . Đầu tư nước ngoài : cấp mới 17 dự án, tổng vốn đăng ký mới là 179,4 triệu USD (đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.171 dự án, tổng vốn 10.124,6 triệu USD) . Đầu tư xây dựng cơ bản được chú trọng, kế hoạch vốn đầu tư công được phân bổ đúng thời gian (đến ngày 22/3/2023 đã giải ngân 1.893 tỷ đồng, đạt 21 ,57 % kế hoạch) ; tăng cường kiểm tra, tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai, nhất là các công trình trọng điểm. Tiếp tục đẩy mạnh công tác bồi thường, tái định cư và giải phóng mặt bằng tại các địa bàn trọng điểm. Công tác thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tập trung triển khai. Chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm và kế hoạch thực hiện 03 công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh được thực hiện theo lộ trình đề ra.

- Thương mại - dịch vụ phát triển ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I khoảng 28.362 tỷ đồng, tăng 9,52% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu quý I ước đạt 1,43 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 961 triệu USD. Quan tâm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối giao thương trực tuyến nhằm giải quyết tiêu thụ cho các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh.

- Tài chính - tín dụng: Công tác quản lý, điều hành ngân sách nhà nước được tập trung chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm; tổng thu ngân sách nhà nước đến ngày 23/3/2023 là 4.607 tỷ đồng, đạt 22,85% dự toán tỉnh giao. Chi ngân sách được kiểm soát chặt chẽ, hoạt động của các tổ chức tín dụng ổn định, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát.

* Về văn hóa - xã hội

Công tác phòng, chống dịch Covid-19 được triển khai hiệu quả, phù hợp trong tình hình mới; tập trung kiểm soát chặt chẽ đối với bệnh sốt xuất huyết, H5N1 và các dịch bệnh khác có nguy cơ lây nhiễm sang người. Quan tâm thực hiện tốt các chế độ, chính sách nhằm khắc phục tình trạng nghỉ việc của đội ngũ y, bác sĩ; khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh; thực hiện dự án đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở năm 2023; an toàn thực phẩm, công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế được đảm bảo tốt. Ngành giáo dục thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo nhu cầu phát triển giáo dục; tổ chức lựa chọn sách giáo khoa dùng chung trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh năm học 2023 - 2024 đối với các cấp học; công tác phổ cập giáo dục, giáo dục thường xuyên, phân luồng học sinh, hướng nghiệp, dạy nghề trong trường học tiếp tục được quan tâm. Hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và quản lý các lễ hội được tổ chức phù hợp, an toàn. Triển khai Nghị quyết Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Long An; phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với giáo dục trải nghiệm, giáo dục hướng nghiệp. Công tác an toàn thông tin, an ninh mạng được quản lý chặt chẽ gắn với thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốtcác chính sách an sinh xã hội, nhất là các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, trợ cấp Tết đối với các đối tượng chính sách, người có công... Các vấn đề về lao động, việc làm, giảm nghèo và công tác đưa người lao động, chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài được quan tâm thực hiện.

* Về quốc phòng - an ninh, nội chính và đối ngoại

Công tác an ninh, nội chính được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ, thống nhất trên địa bàn tỉnh, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền Quý Mão 2023; thực hiện tốt các giải pháp về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội, tai nạn giao thông giảm cả 03 tiêu chí, công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác tiếp, đối thoại trực tiếp với công dân, hòa giải cơ sở được duy trì; đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân được quan tâm giải quyết; ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ đình công, lãn công; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh; các cơ quan Tư pháp tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương được thực hiện thống nhất; hoàn thành thành tốt công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ năm 2023, đạt 100% chỉ tiêu ở 3 cấp; việc xây dựng Điểm dân cư liền kề Chốt dân quân biên giới giai đoạn 3 và xây dựng Điểm dân cư liền kề Đồn, Trạm, Chốt Biên phòng giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện theo kế hoạch; công tác huấn luyện, giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng được tập trung thực hiện. Hoạt động đối ngoại được duy trì; chủ quyền, an ninh biên giới được giữ vững.

* Hoạt động của hệ thống chính trị

Các cấp ủy đảng tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện nghị quyết cấp ủy năm 2023 và cácnghị quyết, quy định, hướng dẫn mới của Trung ương, của Tỉnh ủy. Lãnh đạo, tổ chức tốt các hoạt động mừng Đảng - mừng Xuân Quý Mão 2023. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các chương trình đột phá, công trình trọng điểm và chương trình xây dựng nông thôn mới. Thực hiện nghiêm túc việc nhận xét, đánh giá tổ chức đảng, đảng viên; kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với tập thể, cá nhân năm 2022; xây dựng kế hoạch khắc phục tồn tại, hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm và kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu năm 2023. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm, bố trí cán bộ tiếp tục được quan tâm lãnh đạo, thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình. Công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên được quan tâm; đến ngày 27/3/2023, toàn Đảng bộ đã kết nạp được 349 đảng viên, đạt 22,52% kế hoạch năm.

Hội đồng nhân dân các cấp tiếp tục phối hợp tốt với Ủy ban nhân dân cụ thể hóa, triển khai thực hiện các nghị quyết của cấp ủy, nghị quyết của Hội đồng nhân dân tại các kỳ họp; kịp thời cho ý kiến giải quyết các vấn đề phát sinh theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cùng cấp. Tăng cường các hoạt động giám sát và tiếp xúc cử tri, xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch giám sát theo nội dung, chương trình đề ra.

Ủy ban nhân dân các cấp tập trung chỉ đạo tốt các hoạt động trước, trong và sau Tết; triển khai, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; thực hiện tốt các chỉ đạo của cấp ủy cùng cấp; tập trung rà soát, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các nhiệm vụ tồn đọng; quan tâm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh và công tác bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh tập trung quán triệt, cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy năm 2023 gắn với tổ chức tổng kết công tác năm 2022, triển khai chương trình, nhiệm vụ công tác năm 2023; tổ chức tốt các hoạt động mừng Đảng - mừng Xuân, kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2023) và các ngày truyền thống thành lập ngành theo chỉ đạo của Tỉnh ủy. Tăng cường củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tích cực triển khai thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động, chương trình mục tiêu quốc gia; tham mưu các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là về chế độ chính sách, công tác cán bộ, cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động.

IV. KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN

1. Nhiệt liệt chào mừng 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023)!

2. Tinh thần Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4) và Ngày Quốc tế Lao động (1/5) bất diệt!

3. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - Sức mạnh của ý chí thống nhất đất nước và khát vọng hòa bình!

4. Đảng vững mạnh, Đất nước phát triển, Dân tộc trường tồn!

5. Dân tộc cường thịnh, trường tồn - Đất nước phồn vinh, hạnh phúc!

6. Hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội!

7. Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!

8. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!

9. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!

BTG

Liên kết website