Lịch sử và ý nghĩa Ngày Quốc tế Hạnh phúc
Ngày Quốc tế hạnh phúc được lấy từ ý tưởng của Bhutan, một vương quốc bé nhỏ nằm sâu trong lục địa miền đông Hymalayas, vốn được đánh giá là nước có chỉ số hạnh phúc cao dựa trên các yếu tố như: sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân. Bhutan là quốc gia đã ghi nhận uy thế của hạnh phúc quốc gia hơn là thu nhập quốc gia từ những năm đầu tiên của thập kỷ 70 thế kỷ 20 và nổi tiếng với việc thực thi mục tiêu tổng hạnh phúc quốc gia thay vì tổng sản phẩm quốc nội. Đại diện quốc gia Bhutan cho rằng nhu cầu về hạnh phuc này là đối với tất cả các quốc gia và con người trên toàn thế giới để có những bước vượt lên trên sự khác biệt giữa các nước và con người trên toàn thế giới, liên kết, đoàn kết nhân loại.
Việc Liên hợp quốc chọn ngày 20/3 là Ngày Quốc tế hạnh phúc, vì đây là ngày đặc biệt trong năm, khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo, nên trong ngày này có độ dài ngày và đêm bằng nhau – là biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ. Do đó ngày 20/3- Ngày Quốc tế Hạnh phúc cũng chuyển tải thông điệp rằng: cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc.
Việt Nam là một quốc gia có hàng ngàn năm lịch sử, do đó không hề xa lạ với mục tiêu hạnh phúc. Kể từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời đến nay, “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” đã trở thành tôn chỉ quốc gia. Thực tế, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và nhà nước ta về Độc lập dân tộc, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế đều nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển an sinh xã hội, xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc 20 tháng 3 do Liên hợp quốc phát động, ngày 26/12/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2589/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 hằng năm” nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, gia đình và toàn xã hội về Ngày Quốc tế hạnh phúc, từ đó có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc của người Việt Nam; tăng cường sự tham gia phối hợp giữa các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân và sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với các hoạt động nhân ngày Quốc tế hạnh phúc. Năm 2014 là năm đầu tiên Việt Nam tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc, đến nay đã 8 năm.
Năm 2023, chủ đề Ngày Quốc tế hạnh phúc là: “Hạnh phúc cho mọi người” như lời nhắc nhở mỗi chúng ta hãy luôn yêu thương và chia sẻ cùng nhau trong gia đình, trong dòng tộc, trong cộng đồng; giữa những người bạn, người đồng chí; trong mỗi đơn vị, cơ quan, trường học… bằng những hành động thiết thực nhất góp phần thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội, thực hiện tốt mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh./.
Phương Dung
Tin khác
- Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng - Người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên (20/10/1914 - 20/10/2024)
- Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/1925-21/6/2024
- Nguồn gốc, ý nghĩa ngày Tết Đoan ngọ 5/5
- Học Bác từ tấm gương tự học và tác phong làm việc hiệu quả, chuẩn mực
- Chiến thắng Điện Biên Phủ - Thắng lợi của sức mạnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh
- NÂNG CAO CẢNH GIÁC TRƯỚC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC, PHỦ NHẬN GIÁ TRỊ Ý NGHĨA LỊCH SỬ TO LỚN CỦA CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ NGÀY 07/5/1954
- LỊCH SỬ RA ĐỜI CỦA ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH 26/3
- Xuân sang, nghĩ về Đảng
- Long An tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận Hiệp Hòa và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh
- Thư của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhân dịp khai giảng năm học mới